Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ QUY TRÌNH ĐỀN BÙ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

28/07/2021 20:44

Quy trình đền bù, giải phóng mặt bằng là một bước quan trọng nhất để thực hiện các dự án nhằm phục vụ mục đích kinh tế, an ninh quốc phòng của Nhà nước. Hiện nay nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ các bước trong quá trình thu hồi, đền bù giải phòng mặt bằng, qua đó quyền lợi người dân dễ bị xâm phạm. Trong bài viết này Công ty Luật Đại An Phát sẽ làm rõ hơn một số vấn đề người dân hay gặp trong quy trình đền bù, giải phóng mặt bằng.

I. Căn cứ pháp lý.

  • Căn cứ vào Luật Đất đai 2013;
  • Căn cứ vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP hưỡng dẫn chi tiết luật đất đai;
  • Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn Luật đất đai;

II. Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất.

Theo Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2013 quy định, trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết.
Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm:
  • Lý do thu hồi đất;
  • Diện tích, vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp thu hồi đất theo tiến độ thực hiện dự án thì ghi rõ tiến độ thu hồi đất;
  • Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;
  • Dự kiến về kế hoạch di chuyển và bố trí tái định cư.
Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.
III. Trình tự, thủ tục thu hồi đất
Trình tự, thủ tục thu hồi đất được quy định tại Điều 69 của Luật Đất đai 2013 gồm các bước như sau:
Bước 1: Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được quy định như sau:
  •  UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.
  •  UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
  •  Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
  •  Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực đất bị thu hồi không chịu phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì các cấp có thẩm quyền có nhiệm vụ vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.
  •  Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định kiểm đếm bắt buộc.
  •  Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế theo quy định Điều 70 LĐĐ.
Bước 2: Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:
  •  Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
  •  Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
Bước 3: Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
  •  UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.
  •  Phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
  •  Gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
  •  Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt.
IV. Quy định về cưỡng chế.

IV.1. Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc

Những quy định về cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Đất đai năm 2013 như sau:
Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc.
  • Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, đảm bảo trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
  • Thời điểm bắt đầu cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
Điều kiện cưỡng chế:
  •  Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định kiểm đếm bắt buộc sau khi đã được vận động, thuyết phục.
  •  Quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đã được niêm yết công khai
  •  Quyết định cưỡng chế đã có hiệu lực thi hành
  •  Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành (trường hợp từ chối không nhận thì UBND xã phải lập biên bán)
Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế: Chủ tịch UBND cấp huyện.
Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc:
  •  Tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế
  •  Trường hợp người bị cưỡng chế chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành và thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
  •  Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế.

IV.2. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất

Vấn đề này được quy định tại Điều 70 Luật Đất đai 2013 như sau:
Điều kiện để cưỡng chế:
  • Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi đã được vận động, thuyết phục
  • Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai.
  • Quyết định cưỡng chế đã có hiệu lực thi hành
  • Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành.
  • Trường hợp người bị cưỡng chế không nhận hoặc vắng mặt thì UBND cấp xã phải lập biên bản.
Thành phần ban thực hiện cưỡng chế gồm:
  •  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế. Đồng thời là trường ban thực hiện.
  • Các thành viên gồm đại diện các cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
  • Thành lập ban thực hiện cưỡng chế.
  • Ban thực hiện cưỡng chế tiến hành vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế. Trường hợp không chấp hành thì tiến hành thực hiện cưỡng chế.
  • Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người liên quan ra khỏi khu đất cưỡng chế. Nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
  • Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.
Trên đây là toàn bộ những quy định của pháp luật về quy trình đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu còn bất kỳ băn khoăn nào, hoặc muốn được công ty Luật Hợp danh Đại An Phát hỗ trợ trực tiếp xin vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!
Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay