Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

KHÔNG TỐ GIÁC TỘI PHẠM CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG?

25/08/2021 20:33

Hiện nay tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp vì vậy công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm cũng hết sức cấp bách và cần thiết, vì vậy việc phát hiện tội phạm càng sớm thì hậu quả mà tội phạm gây ra càng được giảm thiểu. Tuy nhiên do tâm lý người dân sợ bị trả thù dẫn đến tình trạng biết tội phạm sắp xảy ra, tội phạm đã xảy ra nhưng không dám đứng lên tố giác. Vậy không tố giác tội phạm có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Luật Đại An Phát sẽ trả lời cho bạn đọc qua bài viết dưới đây.

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

2. Nội dung tư vấn

Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về không tố giác tội phạm như sau:
“Điều 19. Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”.

Thứ nhất, cần phải hiểu thế nào là không tố giác tội phạm.
Theo khoản 1 nêu trên, chúng ta có thể hiểu không tố giác tội phạm là việc biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không trình báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm.
Thứ hai, Trách nhiệm đối với hành vi không tố giác tội phạm.
Chúng ta có thể thấy Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về không tố giác tội phạm được chia ra làm ba khoản khác nhau và mỗi khoản quy định về một đối tượng cụ thể.
Khoản 1 Điều 19 quy định chung đối với tất cả mọi người “Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.”
Theo đó, bất cứ ai đủ năng lực trách nhiệm hình sự mà không tố giác tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự. Điều 390 quy định như sau:
Điều 390. Tội không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”
Điểm đáng chú ý ở đây đối với tội không tố giác tội phạm đó là phải là “người biết rõ” tội phạm đang được chuẩn bị, đang thực hiện, hoặc đã được thực hiện thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu không biết rõ thì không phải chịu Trách nhiệm hình sự về tội này.
Khoản 2 Điều 19 quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, theo đó người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp người phạm tội phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc phạm vào các tội về xâm phạm an ninh quốc gia thì những người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Khoản 3 Điều 19 cũng loại trừ trách nhiệm hình sự về tội không tố tội phạm đối với người bào chữa (Luật sư, trợ giúp viên pháp lý…) như đối với trường hợp người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội.
Trên đây là tư vấn của Luật Đại An phát, nếu có bất kỳ vướng mắc nào hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn:
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!
Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay