Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

Chế độ của Người lao động bị ngừng việc do dịch bệnh Covid -19

  

Trong thời gian qua, do tác động bởi dịch bệnh Covid -19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều Doanh nghiệp gặp khó khăn, một số doanh nghiệp bắt buộc phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh dẫn tới việc nhiều người lao động phải tạm nghỉ việc, ngừng việc. Vậy, theo quy định pháp luật, Doanh nghiệp phải thực hiện những gì khi cho người lao động ngừng việc trong hoàn cảnh này?
 

     Ngày 25/03/2020 Bộ lao động – thương binh và xã hội đã có công văn số: 1064/LĐTBXH-QHLĐTL gửi các đơn vị trực thuộc hướng dẫn các Doanh nghiệp về chế độ trả lương trong thời gian ngừng việc và giải quyết chế độ đối với người lao động như sau:
  1. Việc trả lương ngừng việc.
     Căn cứ vào quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định:
     Thứ nhất, nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương.
     Thứ hai, nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
     Thứ ba, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
 

     Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid -19 như sau:
  • Lao động là người nước ngoài chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc trong thời gian có dịch theo quy định;
  • Người lao động phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  • Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không vận hành được vì chủ sử dụng lao động, hoặc những người lao động khác  cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly  hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc được
     Thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 điều 98 Bộ luật Lao động:  tiền lương do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. (Xem quy định tại Nghị định Số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động)
  1. Đối với trường hợp Doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới phải thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm cho người lao động.
  • Người sử dụng lao dộng có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
     Điều 31 Bộ luật lao động 2012 quy định về việc Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động như sau: Khi doanh nghiệp gặp khó khăn đột xuất do dịch bệnh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
Việc tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động. Đồng thời người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
  • Trường hợp thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 5 của Điều 32 Bộ luật Lao động năm 2012
"Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hơp đồng lao động:....5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận
  • Trường hợp doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo quy định tại Điều 38 hoặc điều 44 Bộ luật lao động 2012.
Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc
     Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: “ 2.  Lý do bất khả kháng thuộc một trong các trường hợp sau đây: a. Do địch họa, dịch bệnh;
     "Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh
"
 
Mọi thông tin trên nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình quý khách hàng xin vui lòng liên hệ với Công ty chúng tôi để được tư vấn tận tình nhất.
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!