Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

30/10/2018 19:37

     Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở để Cục Sở hữu trí tuệ xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Do đó, việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cần tiến hành càng sớm càng tốt để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
1. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009.
2. Nghị định 103/2006/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP.
3. Thông tư 01/2017/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
4. Thông tư số 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
II. NỘI DUNG
1. Thành phần đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
     Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 100 và khoản 1 Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bao gồm:
       - 02 Tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo mẫu số 04-NH, Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;
       - Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; 
       - Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện.
       - Tài liệu chứng minh quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
       - Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
       - Chứng từ nộp phí, lệ phí.
    * Đối với nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận thì ngoài các tài liệu tên, đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu còn bắt buộc phải có thêm các tài liệu sau đây:
       - Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;
      - Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
        - Bản đồ xác định lãnh thổ (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm).
2. Số lượng: 01 (bộ).
3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
4. Trình tự, thủ tục thực hiện
     Bước 1. Tiến hành tra cứu nhãn hiệu
       Luật Đại An Phát có thể tra cứu sơ bộ miễn phí nếu doanh nghiệp gửi mẫu nhãn hiệu kèm danh mục sản phẩm/dịch vụ nhãn hiệu bảo hộ. Hoặc doanh nghiệp có thể tra cứu tại dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ để có kết quả tra cứu chính xác cao hơn (có mất phí).
     Bước 2. Nộp tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu)
         Sau khi tra cứu chuyên sâu và nhãn hiệu được đánh giá là có khả năng đăng ký Luật Đại An Phát sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho đơn đăng ký của doanh nghiệp.
     Bước 3. Thẩm định hình thức
         Sau khi nhận được đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Cục Sở hữu trí tuệ xem xét điều kiện về hình thức của đơn: Nếu đơn đủ điều kiện thì ra Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn. Nếu đơn không đáp ứng đủ điều kiện thì ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi.
        Nội dung công bố đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo.
     Bước 4. Thẩm định nội dung
        Cục Sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu từ đó đánh giá khả năng cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp đăng ký:
           - Nếu đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đáp ứng đủ điều kiện thì ra Thông báo dự định cấp văn bằng cho nhãn hiệu.
         - Nếu đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không đáp ứng đủ điều kiện thì ra Thông báo không cấp văn bằng cho nhãn hiệu. Doanh nghiệp xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho nhãn hiệu.
     Bước 5. Nhận thông báo cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Sau khi có quyết định cấp văn bằng, doanh nghiệp nộp lệ phí cấp văn bằng và lấy văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
5. Thời hạn:
        - Thời hạn thẩm định hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
        - Thời hạn công bố đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
        - Thời hạn thẩm định nội dung: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
        - Thời hạn cấp văn bằng: 02-03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng.
6. Phí, lệ phí:
        - Phí tra cứu thông tin cho mỗi nhóm (không quá 06 sản phẩm, dịch vụ trong cùng một nhóm): 180.000 đồng.
       - Phí bổ sung cho mỗi một sản phẩm, dịch vụ tăng thêm (sản phẩm, dịch vụ từ thứ bảy trở đi trong cùng một nhóm): 120.000 đồng.
       - Phí tra cứu bổ sung cho mỗi một sản phẩm, dịch vụ tăng thêm (từ sản phẩm, dịch vụ thứ bảy trở đi trong cùng một nhóm): 30.000 đồng.
        - Lệ phí nộp đơn (gồm cả đơn tách, đơn chuyển đổi): 150.000 đồng.
      - Phí thẩm định nội dung cho mỗi nhóm (không quá 06 sản phẩm, dịch vụ trong cùng một nhóm): 550.000 đồng.
        - Phí công bố đơn: 120.000 đồng.
        - Phí đăng bạ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: 120.000 đồng.
        - Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: 120.000 đồng.
        - Lệ phí nộp thêm cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ tăng thêm: 100.000 đồng.
        - Phí công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: 120.000 đồng.
       Công ty Luật Đại An Phát với đội ngũ Luật sư uy tín, giàu kinh nghiệm chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý về: CÔNG CHỪNG, ĐẤT ĐAI, DOANH NGHIỆP, ĐẦU TƯ, SỞ HỮU TRÍ TUỆ,...
Gửi yêu cầu dịch vụ
Đăng ký dịch vụ ngay