Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

Tôi có được thừa kế nhà đất mà mẹ bố nuôi tôi để lại không?

Hỏi: Tôi là trẻ mồ côi, năm 2005 tôi được bố mẹ tôi mang về nuôi, từ đó đến nay tôi sống cùng bố mẹ cả nhà rất yêu thương nhau. Bà nội (mẹ đẻ của bố nuôi tôi) cũng sống ở gần đấy nên hàng ngày tôi và bố mẹ đều chạy qua chạy lại thăm nom bà. Sau khi ông mất bà đã làm thủ tục khai nhận di sản để chuyển tên sang cho bà. Năm 2017, chẳng may bố nuôi tôi bị mất trong 1 vụ tai nạn nên mẹ con tôi quyết định chuyển qua ở cùng với bà cho tiện trông nom, chăm sóc khi bà đã tuổi cao, sức yếu. Năm 2019 thì bà cũng mất, trước khi mất bà không để lại di chúc. Cuối năm 2020 thì em của bố nuôi tôi đã lấy chồng, sinh sống trong miền nam quay về và yêu cầu mẹ con tôi phải trả lại mảnh đất của bà vì hiện tại cô là người thừa kế duy nhất. Tôi rất băn khoăn và không biết yêu cầu của cô có đúng không? Rất mong Luật sư giải đáp giúp tôi.

Đáp:
Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát rất vui khi bạn đã tin tưởng và liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ. Về vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:
1. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015;
- Luật Nuôi con nuôi 2010;
- Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi;
- Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định Nghị định 19/2011/NĐ-CP.
2. Tư vấn của Luật sư
Mẹ của bố nuôi bạn chết không để lại di chúc nên theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 150 và điều 151 BLDS 2015 mảnh đất bà để lại sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Bà có 2 người con là bố nuôi của bạn và người em của bố. Tuy nhiên do bố nuôi của bạn đã chết năm 2017 – chết trước bà (bà chết năm 2019) nên theo quy định tại điều 613 BLDS thì bố nuôi của bạn không thể là người thừa kế đối với phần di sản của bà để lại.

Tuy nhiên, người em của bố bạn cho rằng cô là người thừa kế duy nhất cũng chưa hẳn là đúng. Vì theo quy định tại điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 về thừa kế thế vị thì: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống” và đồng thời tại Điều 653 về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”.
        Về vấn đề thừa kế thế vị bạn có thể tham khảo tại bài viết này
Như vậy nếu bạn có căn cứ để chứng minh về mối quan hệ giữa bạn và bố nuôi thì bạn cũng có thể được hưởng phần kỷ phần thừa kế mà bố bạn được hưởng nếu còn sống từ di sản thừa kế do bà để lại.
Cụ thể về theo quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và Luật Hộ tịch năm 2014, thì việc nuôi con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền với trình tự, thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật. Đặc biệt tại khoản 1, 2 Điều 50 Luật Nuôi con nuôi 2010 và hướng dẫn tại Điều 23, 24, 25, 50 Nghị định 19/2011/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 24/2019/NĐ-CP) có quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:
1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.
Như vậy, đối với vấn đề nuôi con nuôi kể cả trước và sau khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thì đều cần phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đây sẽ là căn cứ để chứng nhận mối quan hệ cha, mẹ nuôi – con nuôi.
Vì vậy, nếu như bạn có các giấy tờ để chứng minh mối quan hệ giữa bạn – bố, mẹ nuôi thì trước tiên bạn nên nói chuyện với cô về quyền lợi mà mình sẽ được hưởng theo quy định của pháp luật để đưa ra phương án giải quyết hợp tình, hợp lý nhất.
Còn trong trường hợp khi phải giải quyết tranh chấp tại Tòa án, ngoài các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc nhận nuôi con nuôi, bạn nên thu thập thêm các căn cứ để chứng minh về mối quan hệ khăng khít về mặt tình cảm giữa bạn và bà. Đấy là những căn cứ có lợi cho bạn khi Tòa án xem xét và giải quyết khi có tranh chấp về phần di sản mà bà để lại.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vướng mắc của bạn, để được hỗ trợ trực tiếp vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!