Blue ocean

Gửi câu hỏi trực tuyến

Họ tên
Điện thoại
Email
Câu hỏi

Anh tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì ném gạch gây thương tật cho hàng xóm khi bị hàng xóm tấn công không?

Thưa Luật sư! Chuyện là gia đình tôi và nhà hàng xóm từ trước đến nay cũng không ưa nhau và có nhiều mâu thuẫn. Hôm đó anh trai tôi đang ở nhà thì ông hàng xóm sau đi nhậu về có sẵn hơi men trong người nên khi đi qua nhà tôi lại đứng ở trước cửa chửi đổng, có ý xỉa xói nhà tôi. Bức xúc quá nên anh trai tôi đi ra ngoài yêu cầu ông ta xin lỗi và dừng ngay hành động đó lại. Lời qua tiếng lại thì xảy ra xô xát, ông hàng xóm kia chạy về nhà cầm con dao đuổi đánh anh trai tôi. Trong lúc chạy không may anh tôi bị vấp ngã, không còn cách nào khác trong khi ông hàng xóm vẫn tiếp tục tiếp đến nên anh đã vớ 1 hòn gạch to ném thẳng về phía ông ta, chẳng may viên gạch đập trúng đầu ông ấy. Người nhà ông kia đến gặp gia đình tôi và nói rằng sẽ làm đơn trình báo ra công án yêu cầu truy tố anh trai tôi về tội cố ý gây thương tích. Anh trai tôi chỉ làm vậy để thoát thân, nếu không làm như vậy thì ông kia có thể dùng dao chém chết anh trai tôi chứ! Vậy anh trai tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích không? Rất mong được Luật sư hỗ trợ!

1. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Hình sự năm 2015;
- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

2. Tư vấn của Luật sư

Chào bạn! Rất cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát. Về yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo như thông tin bạn cung cấp, người hàng xóm có hành vi dùng dao đuổi anh trai bạn. Khi anh trai bạn bị vấp ngã và ông hàng xóm vẫn tiếp tục tiến về phía anh trai bạn cùng với con dao thì việc “vớ hòn gạch” để ném về phía ông ấy có thể được coi là "phòng vệ chính đáng" theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ Luật hình sự 2015: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Để được xem hành vi của anh trai bạn là phòng vệ chính đáng, thì không thể dựa vào lời kể của bạn mà cần có các chứng cứ để chứng minh được các yếu tố liên quan sau: Hành vi của ông hàng xóm; Hành vi của anh trai bạn; Điều kiện tương xứng giữa hành vi trái pháp luật của ông hàng xóm xâm phạm đến quyền lợi của anh trai bạn  và hành vi phòng vệ chính đáng của anh trai bạn; Hành vi chống trả của anh trai bạn là cần thiết.
-  Về phía ông hàng xóm (nạn nhân): Ông hàng xóm đang có hành vi trái pháp luật (dùng dao đuổi đánh) nhằm xâm phạm đến tính mạng hoặc sức khỏe của anh trai bạn và anh anh trai bạn ;  
- Về phía anh trai bạn (người có hành vi phòng vệ): Anh trai bạn đã tháo chạy khi ông hàng xóm dùng dao rượt đuổi. Việc dùng đá ném là hành động phát sinh khi anh trai bạn đã bị ngã nhưng người hàng xóm vẫn không dừng lại hành vi trái pháp luật của mình;
- Điều kiện tương xứng giữa hành vi tấn công của ông hàng xóm và hành vi phòng vệ của anh trai bạn: Sự tương xứng ở đây được hiểu là sự tương xứng về tính chất và mức độ được xác định dựa vào các yếu tố chủ quan và khách quan. Đây là yếu tố quan trọng cần phải chứng minh;
- Điều kiện về hành vi chống trả: Hành vi chống trả của anh trai bạn phải là cần thiết.
Trong trường hợp hành vi của anh trai bạn là phòng vệ chính đáng và cần thiết thì anh trai bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nếu hành vi của anh trai bạn vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng… theo quy định tại điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người”.
Như vậy nếu tỷ lệ thương tật của ông hàng xóm từ 31% trở lên và hành vi của anh trai bạn là quá mức cần thiết thì anh trai bạn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên chứ không phải theo Tội cố ý gây thương tích (Khoản 2 điều 1 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017) theo như người hàng xóm trao đổi với gia đình bạn.
Để hiểu rõ hơn về trách nhiệm hình sự do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bạn có thể tham khảo bài viết này.
Tuy nhiên, việc anh trai bạn có phải là phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cần đặt vào hoàn cảnh cụ thể lúc đó để xác định và cần thu thập thêm các chứng cứ để chứng minh. Để được hỗ trợ trực tiếp vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ĐẠI AN PHÁT
Số điện thoại: 024.39.184.888/0973.509.636/0989.422.798
Email: luatdaianphat@gmail.com  
Trân trọng!